Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận nhiều điểm sáng hơn. Thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Dù thị trường chưa đủ lực để vượt dốc nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ mất phanh.
1. Thị trường bất động sản đã thoát nguy cơ 'tụt dốc không phanh'
Trong báo cáo BĐS quý III, tại TP.HCM và vùng phụ cận cho thấy, nguồn cung mới trong quý gấp 2,5 lần so với quý II. Riêng tại TP. HCM đã chiếm gần 90% nguồn cung mở bán mới toàn thị trường.
Tại TP.HCM, phân khúc hạng A chiếm 2/3 nguồn cung mới mở bán trong quý, các dự án tập trung phần lớn tại khu Đông, phân khúc hạng C quay trở lại sau thời gian dài vắng bóng.
Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường thứ cấp hồi phục với giá bán ghi nhận tăng nhẹ từ 1-3% so với quý II. Tại TP.HCM, giá bán dự án mới thấp nhất là 30 triệu đồng/m2.
Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An vẫn duy mức giá từ 21,3 triệu đồng/m2 dến 49 triệu đồng/m2 thúc đẩy lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I.
2. 60.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường BĐS trong năm 2023
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 60.000 doanh nghiệp, mức cao nhất trong từ trước đến nay.
Tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư để bán tăng 0,2%, nhà ở riêng lẻ tăng 0,02%, đất nền cho xây dựng nhà ở giữ nguyên không thay đổi; văn phòng cho thuê tăng 0,74%, chung cư cho thuê giảm 0,36%.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, tổ công tác do Bộ Xây dựng chủ trì đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân.
Bộ Xây dựng cũng tích cực phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án. Trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.210 căn. Hiện, cả nước đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn, ngoài ra đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 300 dự án với quy mô hơn 290.000 căn.
3. TP.HCM sắp kiểm tra pháp lý hơn 80 sàn giao dịch bất động sản
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản thành lập trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017 trên địa bàn. Mục đích của đợt kiểm tra nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn.
Ngoài ra, quá trình kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai và không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
Ông Trần Hùng Anh, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM được giao làm tổ trưởng, chỉ đạo, triển khai kế hoạch và điều hành chung; chủ trì các cuộc họp của tổ điều hành tổng hợp, xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình kiểm tra hoặc báo cáo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trình Giám đốc Sở Xây dựng xem xét chỉ đạo thực hiện, ký báo cáo kết quả kiểm tra, trình Giám đốc Sở Xây dựng xem xét có ý kiến chỉ đạo.
Đối tượng kiểm tra là 81 sàn giao dịch bất động sản được thành lập trong giai đoạn từ năm 2009 - 2017 trên địa bàn.
4. Thế hệ doanh nghiệp bất động sản mới
Câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” rất phù hợp để nói về thị trường BĐS trong hơn một năm vừa qua. Kể từ khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách tiền tệ thắt chặt giữa năm 2022 và các sự cố liên quan đến phát hành trái phiếu BĐS riêng lẻ, nhiều doanh nghiệp BĐS thực sự phải đối mặt với nhiều khó khăn kéo dài.
Thời gian tới BĐS sẽ tiếp tục phục hồi, nhất là khi những rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ, một số quy định thắt chặt trước kia đã tạm thời chưa áp dụng, trong khi nguồn vốn giá rẻ ngày càng nhiều và kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện.
Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phát triển với hình thái mới, bền vững hơn, an toàn hơn. Thị trường sẽ không còn thế hệ các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, theo “phong trào”, không dựa trên tư duy dài hạn.
Trong bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, để phát triển bền vững và nâng tầm, doanh nghiệp cần tự “thoát xác” về cách tư duy, chiến lược quản trị mới, với tầm “tư duy toàn cầu và hiểu biết rõ địa phương”. Tất nhiên vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong ươm dưỡng, phát triển thế hệ doanh nhân mới - Doanh nhân 4.0.